Tìm cách để tăng mức tiêu hao năng lượng dự trữ và giảm béo đang dần trở thành mối quan tâm thường trực của mỗi người trước tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng nhanh.
Trong nhiều năm, hàng loạt các sản phẩm được tung ra thị trường với quảng cáo giúp đốt cháy nhiều năng lượng dự trữ hơn, nhưng dường như trên thực tế chúng không mang lại được kết quả như hứa hẹn. 8 phương pháp dưới đây sẽ giúp làm tăng lượng calo bị đốt cháy, đem lại hiệu quả giảm béo tốt hơn:
1. Tập luyện để đốt cháy calo
Khi tập luyện thể dục thể thao, cơ thể sẽ đốt cháy calo để tạo ra năng lượng cần thiết phục vụ cho quá trình luyện tập. Thời gian tập càng lâu, cường độ tập càng cao thì sẽ càng có nhiều calo bị đốt cháy. Thậm chí kể cả khi quá trình tập luyện đã kết thúc thì cơ thể vẫn tiếp tục đốt cháy thêm calo, ví dụ như sau khi tập aerobic, tỉ lệ chuyển hóa, trao đổi chất của cơ thể vẫn tăng lên trong tối thiểu 24 giờ. Các nghiên cứu đã cho thấy nếu thời gian tập luyện tăng lên thì tình trạng tăng mức độ trao đổi chất của cơ thể khi nghỉ ngơi cũng kéo dài thêm.
Hoạt động tập luyện đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất đối với bất kỳ ai muốn đốt cháy calo chính là đi bộ nhanh mỗi ngày.
2. Thực hiện các tập luyện sức mạnh để kiến tạo cơ
Khi tập luyện, cơ thể phải sử dụng đến các cơ. Điều này giúp kiến tạo các khối cơ, và các mô cơ đốt cháy nhiều calo hơn so với các mô mỡ, thậm chí ngay cả khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi.
Cách hiệu quả nhất để tăng mức độ chuyển hóa của cơ thể và đốt cháy nhiều calo hơn chính là tập luyện aerobic và các bài tập sức mạnh. Các bài tập về sức mạnh sẽ dần dần trở nên ngày một quan trọng khi con người già đi, bởi càng có tuổi, mức độ chuyển hóa, trao đổi chất càng có xu hướng giảm đi. Rất may, cách để ngăn chặn tình trạng này chính là tập các bài tập sức mạnh vài lần mỗi tuần. Các cơ lớn nhất của cơ thể (và do đó cũng là nơi đốt cháy lượng calo lớn nhất) bao gồm cơ ở đùi, bụng, ngực và cánh tay.
3. Uống trà xanh hoặc trà đen
Caffeine là một chất kích thích có khả năng làm tăng lượng calo bị đốt cháy. Một trong các lý do để giải thích hiện tượng này, là caffeine mang lại tác dụng hưng phấn tạm thời, khiến cơ thể cảm thấy khỏe hơn, do đó hoạt động được nhiều hơn. Đồng thời caffeine cũng có thể khiến chuyển hóa trong cơ thể thay đổi mà kết quả là nhiều calo bị đốt cháy hơn.
Những nghiên cứu cũ gợi ý rằng sử dụng 250 mg caffeine trong một bữa ăn có thể làm tăng 10% lượng calo bị đốt cháy qua quá trình chuyển hóa bữa ăn. Tuy con số này đối với một bữa ăn là không quá nhiều, nhưng theo thời gian, số calo bị đốt cháy sẽ là đáng kể.
Trong vài năm qua đã có một số nghiên cứu tập trung vào lợi ích của trà xanh hoặc trà đen cùng thành phần caffeine chứa trong nó. Một nghiên cứu trên người kết luận trà xanh có tác dụng sinh nhiệt và đốt cháy calo nhờ vào thành phần caffeine. Nghiên cứu được tiến hành ở Đại học Lausanne, Thụy Sĩ đối với 31 nam nữ thanh niên khỏe mạnh, trong ba ngày liên tục mỗi người được cung cấp 3 khẩu phần của một loại thức uống chứa các catechin của trà xanh, caffeine và calci, cuối cùng lượng năng lượng tiêu hao trong 24 giờ đã tăng 4,6%.
Sử dụng trà kèm các bữa ăn còn có một lợi ích khác, đó là hạn chế khả năng hấp thu carbohydrate trong bữa ăn, từ đó giúp giảm béo, theo kết quả của một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ, xuất bản tháng 9 năm 2006.
Ngoài những lợi ích nêu trên, trà xanh hay trà đen là các thức uống không chứa năng lượng, hoàn toàn thích hợp để thay thế cho các đồ uống khác trong trường hợp người uống muốn cắt giảm lượng calo thu nhận vào cơ thể.
4. Chia các bữa ăn lớn thành các bữa nhỏ
Bắt nguồn từ nhận định sau khi ăn, cơ thể cần một lượng năng lượng nhất định để hệ tiêu hóa bắt đầu thực hiện quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn, nên một số chuyên gia gợi ý hãy chia các bữa ăn lớn thành nhiều bữa ăn nhỏ, nhằm khiến cơ thể phải đốt cháy nhiều calo cho hệ tiêu hóa hơn. Tuy không có nhiều bằng chứng chắc chắn cho giả thiết này, nhưng ăn nhiều bữa ăn nhỏ hoàn toàn là một cách ăn đúng đắn và có lợi cho sức khỏe, thay vì ăn các bữa ăn lớn.
5. Không được bỏ bữa sáng
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bỏ bữa sáng có mối liên hệ với tăng trọng lượng cơ thể. Kết quả một số nghiên cứu kết luận khi bỏ bữa sáng, cơ thể có xu hướng thu nhận nhiều calo hơn vào cuối ngày. Một số nghiên cứu khác gợi ý rằng bỏ bữa sáng có sự liên quan tới chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) cao hơn ở trẻ vị thành niên.
Dù các nghiên cứu còn tiếp tục diễn ra, nhưng ăn sáng lành mạnh chắc chắn là một thói quen tốt cho sức khỏe cần được duy trì.
6. Sử dụng sữa ít béo
Thành phần canxi trong sữa ít béo không hẳn giúp đốt cháy thêm calo, nhưng nó có những tác dụng nhất định đối với chất béo trong cơ thể. Các kết quả từ nghiên cứu của Đan Mạch gần đây gợi ý rằng cơ thể có thể thu nhận ít calo từ chất béo trong bữa ăn hơn khi calci từ sữa ít béo được tiêu thụ. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy sử dụng nhiều thức ăn giàu calci (bao gồm cả các sản phẩm sữa ít béo) có mối liên hệ với việc giảm lượng mỡ bụng, đặc biệt là ở những nam thanh niên da trắng.
7. Uống đủ nước mỗi ngày
Uống đủ nước mỗi ngày có thể giúp đốt cháy gần 100 calo mỗi ngày, theo một nghiên cứu nhỏ ở Đức. Tuy lượng calo này không nhiều, nhưng theo thời gian, con số tích tụ cũng là không nhỏ, đồng thời uống đủ nước còn mang lại vô số lợi ích khác cho sức khỏe.
8. Làm các việc vặt
Làm các việc vặt, hay bất cứ hoạt động nào, đều tiêu hao năng lượng. Hơn nữa, làm các việc vặt sẽ giúp cơ thể duy trì lối sống năng động, tránh sự tĩnh tại, qua đó mang lại ích lợi cho sức khỏe.