Nhân dịp chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10), phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã có buổi trò chuyện với nữ doanh nhân Phạm Thu Thủy – Chủ tịch HĐQT ATA Holdings. Buổi trao đổi mang đến góc nhìn đa chiều về văn hóa doanh nghiệp trong thời đại hội nhập và phát triển hiện nay.

Doanh nghiệp như một con thuyền, đôi khi phải gác lại chuyện chèo thuyền và tập trung vá lỗ thủng

Phóng viên (PV): Chào chị! Tháng 6 vừa rồi, chị đã khai trương tòa nhà ATA Holdings – Trung tâm Detox và dưỡng sinh công nghệ cao tại Tp Vĩnh Yên. Rất nhiều khách hàng đã mong chờ ATA Holdings xuất hiện tại Thủ đô Hà Nội. Chị có thể hé lộ về thời điểm này được không ạ?

Doanh nhân Phạm Thu Thủy: Cám ơn câu hỏi của bạn! Theo lộ trình và chiến lược mà tôi đã đặt ra, thì ATA Holdings sẽ sớm có mặt tại Hà Nội. Hiện tại chúng tôi đang xây dựng và chuẩn bị cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân sự. Các thương hiệu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp trong hệ sinh thái của ATA đều hoạt động dựa trên triết lý “dưỡng gốc – khai tâm”, nhằm đem đến giá trị tốt đẹp nhất, trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng.

Trong tương lai không xa, ATA Holdings sẽ có mặt trên các thành phố lớn cả nước. Đưa những công nghệ dưỡng sinh tiên tiến và tốt nhất đến với khách hàng. Và để hoàn thiện được kế hoạch đó, chúng tôi cần phải sẵn sàng với một đội ngũ nhân sự xuất sắc, trang thiết bị hiện đại nhất.

Doanh nhân Phạm Thu Thủy – Chủ tịch HĐQT ATA Holdings

PV: Chị vừa nói đến yêu tố nhân sự trong chiến lược phát triển thương hiệu của mình. Đó có phải là vấn đề mà chị đã luôn “đau đầu” và “nhức não”, trăn trở với điều đó? Đặc biệt, trong lĩnh vực làm đẹp, chị đã có hơn 10 năm kinh nghiệm điều hành Thủy Vi Spa, Tây Thi Danh Viện…?

Doanh nhân Phạm Thu Thủy: Tôi luôn nghĩ rằng, doanh nghiệp như một con thuyền lớn đang rẽ sóng ngoài khơi xa. Nhiều vị thuyền trưởng cứ mải miết ra lệnh chèo thuyền, tiến lên phía trước, nhưng bỗng một ngày, con thuyền lớn đó bị thủng và nứt toác ra, rồi chìm dần vào lòng đại dương. Thuyền có thể đi chậm, đi nhanh, thậm chí có lúc cần dừng lại hẳn trên mặt biển. Và người thuyền trưởng phải ra soát các lỗ thủng, tìm cách khắc phục và bịt lại những lỗ thủng đó. Vì có lúc, chính nhiều lỗ thủng nhỏ sẽ tạo ra áp suất lớn và khiến thuyền bị chìm. Người lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cần phải nhận định được: “Bịt lỗ thủng cũng rất quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả việc chèo thuyền”

Chính vì vậy, ATA nói chung và các thương hiệu làm đẹp trong hệ sinh thái của ATA sẽ luôn được xây dựng và phát triển tối ưu nhất – Đặc biệt là về vấn đề con người. Chúng tôi chọn nhân sự phù hợp và xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu tiên đặt nền móng.

Thú thật, tôi vẫn đang trăn trở và tìm kiếm miệt mài những “mảnh ghép” phù hợp nhất cho đội ngũ của ATA. Từ mọi vị trí nhân sự đều có vai trò riêng, và họ đều rất quan trọng.

PV: Người ta vẫn luôn thấy CEO Phạm Thu Thủy là một người gần gũi, thân thiện và luôn nở nụ cười tươi xinh trong mọi lúc. Có phải trong doanh nghiệp của mình, chị cũng luôn kết nối và giữ mối quan hệ thân thiện với đội ngũ nhân sự của mình ?

Doanh nhân Phạm Thu Thủy: Tôi không thích xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng “Công ty như một gia đình”. Rất nhiều nhân viên khi đi làm đều muốn được vui vẻ tại công ty, muốn đồng nghiệp ứng xử với nhau như anh em ruột thịt, thân thiết như gia đình và muốn công ty như một gia đình. Tôi không đồng ý với điều này. Người lao động đi làm vì hai động lực chính: Đó là tiền và niềm vui. Tôi nghĩ, “niềm vui” ở đây là niềm vui trong công việc, là cách làm việc hết mình, chuyên nghiệp và được tạo điều kiện để cống hiến, cùng nhìn về mục tiêu chung và phải nỗ lực cùng nhau đưa công ty phát triển. Niềm vui còn là sự chuyên nghiệp trong văn hóa giao tiếp, vui vẻ thẳng thắn nói lời tử tế, không tạo bè kết phái nói xấu lẫn nhau.

Doanh nhân Phạm Thu Thủy: động lực chính của đi làm là kiếm tiền

Sẽ không phải là kiểu vui vẻ yêu thương vô điều kiện trong gia đình. Lãnh đạo yêu thương đùm bọc, che chở và nhắc nhở khi nhân viên sai lầm. Cũng như bố mẹ vẫn luôn chấp nhận và yêu thương con cái vì đó là con của mình. Doanh nghiệp mạnh sẽ không thể như vậy. Sai lầm thì cần phải chịu trách nhiệm. Từ giảm lương, đến thôi việc. Công ty sẽ không giữ nhân sự mà đào tạo mãi không lớn, không tiến bộ, mỗi khi sai lầm lại nói “em xin lỗi sếp” “sếp thông cảm cho em” và rồi cứ vậy mãi…

PV: Vậy đó có phải là sự khắt khe cần thiết để phát triển doanh nghiệp? Sự khắt khe này có làm mất cơ hội của những người có năng lực và trình độ hay không, thưa chị?

Doanh nhân Phạm Thu Thủy: Tôi nghĩ, động lực chính của đi làm là “kiếm tiền.” Tôi muốn nhân viên của mình đi làm là xác định phấn đấu để được lương cao. Và lương cao tức là phải có kết quả tốt. Kết quả không phải là trình độ hay năng lực, kết quả chính là sản phẩm cuối cùng có vị trí của họ. Đó là kết quả của những con số, những quy trình, bằng văn hóa công ty với thái độ làm việc nghiêm túc, ứng xử văn minh.

Hiện nay vẫn còn tồn tại các trường hợp “bỏ việc vô tổ chức”, cảm thấy không vừa ý sếp là sẵn sàng bỏ việc, thậm chí bằng một cái email phân tích, xin lỗi rồi cứ thế nghỉ việc. Rồi có nhiều trường hợp đổ lỗi cho việc phải nghỉ vì người này, người kia. Đó là sự vô tổ chức, vô văn hóa và không thể chịu được áp lực trong công việc.

Văn hóa doanh nghiệp là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp

Tôi cũng từng gặp những trường hợp tương tự như vậy. Một bạn thư ký từng nghỉ việc tại doanh nghiệp của tôi với lí do không thích cái chị Giám đốc nhân sự, mặc dù bạn vẫn khăng khăng nói rằng rất yêu quý sếp. Cũng có bạn nhân viên thuộc tuýp người tình cảm, luôn kết nối và thân thiết với anh chị em trong công ty, chơi nhóm rất thân. Khi công ty cho một bạn trong nhóm nghỉ thì bạn nhân viên này cũng chán nản, buồn bã và tiêu cực. Tất cả đều là sự sai lệch về tư duy. Các bạn cần phải hiểu rõ mình đi làm là để cống hiến và nhận được thành quả xứng đáng từ sự cống hiến đó.

PV: Tôi cho rằng, bản chất của người Việt Nam nói riêng là sự yêu thương, đùm bọc. Luôn sẵn sàng giúp đỡ và sẻ chia. Vì vậy mà nhiều doanh nghiệp sẽ khó có thể áp dụng “thiết quân luật” hoặc giữ một lập trường rõ ràng trong việc tạo ra văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp. Chị nghĩ như thế nào về điều này?

Doanh nhân Phạm Thu Thủy: Tôi nghĩ áp lực sinh tồn của doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều so với áp lực công việc của nhân viên. Và để con thuyền doanh nghiệp vững vàng trên thương trường thì phải đào tạo được những nhân sự có thể “tin tưởng tuyệt đối”. Sự tin tưởng đó mang đến những chiến binh để sẵn sàng trên mọi trận đánh cam go khốc liệt của thương trường. ATA Holdings của tôi cũng đang trong giai đoạn này. Rất khó khăn để xây dựng văn hóa doanh nghiệp

“Năng đoạn kim cương” (DCI) là giải pháp tôi theo đuổi và nghiên cứu

PV: Theo chị, giải pháp tối ưu để hoàn thành nhiệm vụ này là gì?

Doanh nhân Phạm Thu Thủy: Tôi nghĩ đó là phải giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Và từ lãnh đạo đến nhân viên, tất cả phải có tinh thần “Không ngừng học hỏi”. Tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu nhiều giải pháp và cũng lựa chọn cho mình những kiến thức đúng đắn vào từng giai đoạn. Ví dụ như Năng đoạn kim cương – DCI (Diamond Cutter Institute). “Năng đoạn” là cắt gọt mài dũa. Bản thân mỗi người đều là một viên kim cương với tiềm năng vô hạn, nhưng thường là vô hình với chúng ta. Chúng ta sẽ cần phát hiện và thực hiện “năng đoạn” để giúp bản thân hoặc nhân viên “chạm” vào bên trong mình và khám phá sức mạnh nội tại của mình để thành công trong kinh doanh và cuộc sống.

DCI có 12 cấp độ xoay quanh các lĩnh vực của cuộc sống. Mỗi cấp độ sẽ giúp chúng ta tỉnh chức về một lĩnh vực khác nhau và giúp con người đạt được sự thông tuệ, niềm an vui với cuộc sống, hạnh phúc trong các mối quan hệ và sự tự do về tài chính. Tôi đang ứng dụng năng đoạn kim cương DCI trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Và đó sẽ là văn hóa doanh nghiệp tử tế, chuyên nghiệp và hướng tới thành công chung của tổ chức, doanh nghiệp.

PV: Cám ơn chị!  Xin chúc ATA Holdings và doanh nhân Phạm Thu Thủy sẽ sớm gặt hái được những thành tựu của mình trên con đường xây dựng doanh nghiệp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *