Khi giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm, thời tiết thay đổi, các yếu tố dị nguyên cũng có sự thay đổi ít nhiều. Lúc này, niêm mạc mũi nhạy cảm rất dễ phản ứng lại với kích thích từ bên ngoài, gây nên viêm mũi dị ứng thời tiết.

1. Viêm mũi dị ứng là gì

Theo một số thống kê, tỷ lệ người mắc viêm mũi dị ứng lên tới khoảng 10 – 20% dân số. Con số này được dự báo là ngày càng tăng cao do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, khí hậu và thời tiết thay đổi thất thường.

Bệnh gồm nhóm cơ bản: viêm mũi dị ứng quanh năm và viêm mũi dị ứng thời tiết, với các triệu chứng phổ biến:

  • Hắt hơi từng tràng
  • Chảy mũi dịch trong
  • Ngạt mũi gây khó thở do phù nề cuốn mũi
  • Thường xuyên bị ngứa mũi, chảy mũi nhiều nhất là vào buổi sáng.
  • Ngứa họng
  • Ngứa ở khóe mắt, phù mi mắt dưới
  • Ngứa ống tai ngoài
  • Cảm giác ớn lạnh nhưng không sốt
  • Triệu chứng nặng là sốc phản vệ (dị ứng thuốc, thức ăn…).

Hầu hết bệnh nhân viêm mũi dị ứng đều không có tiến triển quá xấu nguy hiểm đến tính mạng, nhưng thường gây phiền toái cho người bệnh và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như cuộc sống hằng ngày. Viêm mũi dị ứng có thể gây nghẹt mũi thường xuyên, nhức đầu, ù tai, một số trường hợp viêm mũi dị ứng mạn tính có thể bị loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy.

Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị cũng như chăm sóc, phòng bệnh ngay từ đầu thì có thể dẫn đến viêm mũi xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang và bệnh hay tái phát.

2. Nguyên nhân viêm mũi dị ứng

Viêm mũi
Viêm mũi dị ứng là bệnh xảy ra do niêm mạc mũi quá nhạy cảm

Viêm mũi dị ứng là bệnh xảy ra do niêm mạc mũi quá nhạy cảm, khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh (dị nguyên) sẽ gây ra những triệu chứng tại chỗ. Nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp, chủ yếu do cơ địa dị ứng và liên quan đến các yếu tố:

  • Yếu tố gia đình: theo thống kê cho thấy nếu chỉ có bố hoặc mẹ bị viêm mũi dị ứng thì xác suất con cái bị bệnh này là khoảng 30%. Con số này được ước tính lên tới 50% nếu một người có cả bố và mẹ bị bệnh.
  • Yếu tố miễn dịch: Viêm mũi dị ứng là bệnh lý thuộc miễn dịch vì có liên quan đến kháng nguyên kháng thể và những hoá chất trung gian như histamin, prostaglandin 2, leukotrienes.
  • Cơ địa dị ứng: có liên quan chặt chẽ với bệnh viêm mũi dị ứng. Người có cơ địa dị ứng (viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, eczema, tổ đỉa, hen suyễn…) thì tỷ lệ và mức độ mắc bệnh viêm mũi dị ứng thường cao hơn bình thường.
  • Tiếp xúc dị nguyên: Bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông (chó, mèo), ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt…), khói (khói thuốc, khói bếp, khói nhà máy), một số dược phẩm,…là các dị nguyên rất thường gặp ở nước ta, có thể gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc với những biểu hiện dễ nhận thấy ngay là ngứa và hắt hơi.
  • Yếu tố môi trường khí hậu: thay đổi thời tiết đột ngột, ô nhiễm môi trường.
  • Bất thường trong cấu trúc của mũi: Vẹo, gai vách ngăn mũi có thể làm tăng sự nhạy cảm của niêm mạc mũi và kích thích làm bệnh phát sinh.

3. Viêm mũi dị ứng thời tiết

Khi giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm, thời tiết thay đổi, sự phát triển của dị nguyên, nấm mốc, nồng độ phấn hoa trong không khí,… cũng có sự thay đổi nhiều. Người bị viêm mũi dị ứng rất nhạy cảm với thời tiết. Lúc này, niêm mạc mũi rất dễ phản ứng lại với kích thích từ bên ngoài, gây ra các phản ứng dị ứng.

Phản ứng dị ứng sản sinh ra hàng loạt kháng thể, chất hóa học trong cơ thể nhằm chống lại các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài. Cơ chế sản sinh histamin cũng là hoạt động quan trọng trong hệ miễn dịch, gây ảnh hưởng nhất định đến tình trạng dị ứng.

Khi viêm mũi dị ứng thời tiết thuộc nhóm viêm mũi dị ứng có chu kỳ. Người bệnh thấy cay cay trong mũi, hắt hơi liên tục, ngứa mũi, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Tiếp đến là chảy nhiều nước mũi trong như nước lã. Có cảm giác rát bỏng ở vòm hầu họng. Ban ngày xuất hiện nhiều cơn dị ứng, đặc biệt là vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, nhưng tối đến lại dịu đi và kéo dài vài ba ngày đến vài tuần, nếu không được điều trị.

Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ cũng có triệu chứng như trên, chỉ khác là bệnh xuất hiện không theo mùa, không phụ thuộc thời tiết, chỉ hắt hơi vài cái nhưng nghẹt mũi tăng và kéo dài hơn giữa hai cơn.

4. Phòng bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây viêm mũi dị ứng

Hiện nay bệnh viêm mũi dị ứng gần như chưa điều trị dứt hẳn được. Việc điều trị chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng, giúp giảm hoặc hết triệu chứng trong một thời gian, có thể bị lại khi không còn dùng thuốc.

Do đó, điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải tự bảo vệ bản thân mình khỏi các yếu tố dị nguyên bằng cách:

  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên: bụi nhà, bụi đường, tránh chơi với mèo hay chó, khói thuốc lá… Nếu buộc phải tiếp xúc thì nên dùng khẩu trang tốt, che chắn đường hô hấp và vệ sinh sạch sẽ sau khi tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng.
  • Vệ sinh nơi ở: tăng cường vệ sinh nhà cửa, giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ.
  • Bảo vệ khi thời tiết thay đổi: trong những ngày lạnh, cần phải giữ ấm vùng mũi, họng, đầu và cổ. Đặc biệt vào thời điểm giao mùa, cần tránh để cơ thể, đặc biệt là hệ hô hấp bị ảnh hưởng do thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, mưa, gió,…
  • Ăn đủ chất dinh dưỡng: bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, nước trà xanh và có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể. Tránh ăn uống đồ lạnh, tránh khói thuốc lá.
  • Không lạm dụng thuốc: dù là dùng nhiều thuốc dạng uống hay dạng xịt thì cũng đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Do đó, việc dùng thuốc phải theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đạt được hiệu quả cao nhất cũng như tránh tác dụng phụ hoặc lạm dụng thuốc.

Để có thêm nhiều thông tin hữu ích nhằm chủ động chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp hãy để Tây Thi Danh Viện đồng hành.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *